Rate this post

Dạy con ý thức bảo vệ môi trường ở giai đoạn nào là phù hợp? 5 tuổi, 7 tuổi hay 10 tuổi? Câu trả lời là càng sớm càng tốt ba mẹ ạ.

Theo báo cáo của UNEP năm 2018: Cứ mỗi phút trên thế giới có hơn một triệu chai nước uống bằng nhựa được mua bán; mỗi năm thải ra năm nghìn tỷ túi ni-lông dùng một lần. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi ni-lông dùng một lần không được tái sử dụng, thì mỗi năm phát sinh 2,5 triệu tấn chất thải nhựa. Ðáng lo ngại, theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).

Những diễn biến về môi trường hiện nay đang là vấn đề nghiêm trọng mang tính cấp thiết toàn cầu mà mỗi cá nhân chúng ta phải nhận thức được điều đó và chung tay vào thực hiện. Và việc giáo dục ý thức cho các em nhỏ, thế hệ của tương lai là cực kỳ quan trọng.

Những hình ảnh về việc uống những loại nước đóng chai, trà sữa,… rồi vứt ly, chai nhựa bừa bãi ra môi trường đã trở nên quá đỗi quen thuộc, đặc biệt là với trẻ em thành thị. Vậy chúng ta nên làm gì để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các con?

Cho con làm bạn với thiên nhiên

Nếu con còn nhỏ (dưới 6 tuổi), hãy thường xuyên dắt trẻ đi công viên để con được hít thở bầu không khí trong lành. Hệ sinh thái cây cối ,động vật ở công viên sẽ khơi gợi sự tò mò và thích thú của trẻ. Thoát khỏi không gian tù túng ở nhà và trường học, con sẽ thêm yêu và trân quý những gì mà thiên nhiên mang lại.

cho con di choi cong vien bao ve moi truong

Hạn chế sử dụng chai nhựa và bao ni lông

Thực tế tại lớp bóng rổ của iKids Danang thấy rất nhiều bé mang nước đóng chai theo uống. Có vẻ như tiện lợi đấy nhưng điều đó lại gây ra tác hại xấu đến môi trường. Theo khuyến cáo của hiệp hội bảo vệ môi trường, thay vì sử dụng bình nước nhựa đóng chai sử dụng 1 lần, ba mẹ cho con mang nước uống bằng bình nước cá nhân; sử dụng các hộp thủy tinh chuyên dụng để mang bữa trưa cho con, sử dụng túi vải đi chợ thay vì lấy thêm túi ni lông từ người bán. Với những hành động gương mẫu từ người lớn, trẻ sẽ học rất nhanh và bắt chước ba mẹ làm những việc nhỏ mà lợi ích to này.

Dạy trẻ phân biệt các loại rác thải

Với trẻ nhỏ, có thể vì con không biết phải vứt rác đúng nơi quy định, điều đó vô thức ảnh thước đến môi trường. Chính vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, ba mẹ phải giáo dục ý thức cho con về việc vứt rác đúng nơi quy định. Con sẽ bối rối khi đứng trước những thùng rác phân loại: rác có thể tái chế, rác không tái chế, rác cần được xử lý đặc biệt. Chính vì vậy, ba mẹ hãy làm gương và hướng dẫn con cách phân loại các loại rác và cho con thực hành đối với những chai nước nhỏ, túi ni lông hay viên pin cũ,…

Cùng con trồng cây xanh

Cây xanh không chỉ làm đẹp ngôi nhà của bạn mà còn mang đến nhiều tác động có lợi khác. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, thực vật giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm hiện tượng dị ứng và tăng năng suất lao động… Màu xanh dịu mát, trong lành của lá cây bỗng chốc làm căn nhà thêm trong lành và thoáng đãng, không chỉ điều hòa khí hậu, mang lại vẻ tươi mát mà còn giúp phục hồi sinh khí cho nơi ở của gia đình.

Nếu nhà bạn không có một khu vườn nhỏ, bạn có thể tận dụng sân thượng, ban công để cùng con trồng một số chậu cây xanh, vừa “xanh hóa“ ngôi nhà vừa cùng con học cách chăm cây. Đơn giản nhất là bạn hướng dẫn trẻ gieo vài hạt đậu xanh, đậu đen vào một lon đất nhỏ để con quan sát giá đỗ nảy mầm và phát triển. Hãy chỉ cho trẻ những con sâu và vai trò của sâu đối với đất trồng. Hãy bày cho trẻ quan sát một nụ hoa nhú lên, lớn dần, rồi nở bung xòe thành một bông hoa. Những trải nghiệm này sẽ giúp trẻ hiểu, yêu và trân trọng sự kỳ diệu của thiên nhiên.

Nếu được, hãy tranh thủ cuối tuần để đưa trẻ đến một khu vườn thật thụ, để trẻ xem cây phát triển thế nào trong môi trường tự nhiên, xem những con giun giúp đất tơi xốp thế nào.

Tập thói quen tiết kiệm điện và nước

Ở Việt Nam, con người không phải sống trong điều kiện thiếu nước sạch nên rất nhiều người vô thức sử dụng nước sạch một cách lãng phí. Chúng ta phải biết rằng, được sống trong một môi trường được thiên nhiên ưu đãi là điều may mắn bởi rất nhiều trẻ em trên thế giới không có nước sạch để uống. Để giáo dục con điều này, ba mẹ nên tập cho con thói quen giữ một cốc nước để đánh răng, chứ không xả nước thẳng từ vòi, khuyến khích con múc nước vừa đủ trong thùng chứa để tắm gội, hoặc tắm bằng vòi sen thay vì ngâm bồn.

Tập cho trẻ thói quen tắt đèn trước khi ra khỏi phòng. Hãy nhẹ nhàng căn dặn trẻ: “Khi con ra khỏi phòng, thì các bạn đồ chơi của con sẽ đi ngủ nên con hãy tắt đèn đi nhé!”. Cùng trẻ làm những giấy nhắc nhở “Nhớ tắt điện khi không sử dụng“ và dán vào tivi, cửa phòng, cửa nhà để nhắc nhở bản thân và các thành viên trong gia đình tắt đèn và các vật dụng điện khác trước khi rời phòng, rời nhà.

Tham gia các chiến dịch dọn dẹp cảnh quan thiên nhiên, phường, đô thị

Nếu thị trấn, phường tổ chức buổi dọn rác đô thị, không chỉ riêng ba mẹ, ba mẹ nên khuyến khích các con tham gia cùng để các con tự nhận thức được vấn đề môi trường. Từ đó nâng cao ý thức, xóa bỏ hành vi xả rác bừa bãi.

Khi cả gia đình đi nghỉ mát hay picnic, hãy cùng trẻ dọn dẹp khu vực mà mình đã chơi. Bạn cũng nên giải thích cho trẻ biết rằng bãi biển, khu rừng này chính ngôi nhà của rất nhiều sinh vật tuyệt đẹp nên mình cần phải giữ gìn.

Cùng em xem phim, đọc sách về thiên nhiên

Hãy cho trẻ đọc các cuốn sách truyện về những điều kỳ diệu của tự nhiên, hay cho trẻ xem những bộ phim có lồng ghép các bài học về tôn trọng tự nhiên như Wall-E, Truy tìm Nemo, Happy Feet, Giải cứu Willy… Đây chính là cách nhẹ nhàng gieo vào trái tim con tình yêu thương và tôn trọng cuộc sống thiên nhiên tươi đẹp.

Bạn đã sẵn sàng cùng con bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên với những hành động hết sức đơn giản này chưa! Chung tay cùng bảo vệ môi trường, vì một hành tinh xanh.