5/5 - (1 bình chọn)

Giai đoạn 5-15 tuổi hay lứa tuổi học đường được xem là “10 năm vàng” về phát triển và chuyển hóa của trẻ, nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phụ huynh.

Không chỉ có giai đoạn đầu đời, những năm tháng tiếp theo khi trẻ đi học cũng rất quan trọng, cần được chăm sóc kỹ lưỡng về thể chất thông qua chế độ dinh dưỡng, năng lượng và vận động phù hợp.

Đây được gọi là “giai đoạn vàng” bởi trong khoảng thời gian này, trẻ trải qua những phát triển đáng kể về cơ thể, não bộ và những hành vi đặc trưng. Nhu cầu và mức độ chuyển hóa năng lượng của trẻ cũng cao hơn 1,5-2 lần so với người lớn. Nếu cha mẹ lơ là giai đoạn này, trẻ có thể bỏ lỡ cơ hội để phát huy tối đa những tiềm năng của bản thân, thậm chí có nguy cơ đánh mất cơ hội theo đuổi các dự định nghề nghiệp có yêu cầu đặc thù về thể chất.

Thực trạng chăm sóc dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ ở lứa tuổi học đường

Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ ở tuổi học đường đã tăng lên 19% năm 2020 (năm 2010 là 8,5%), trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ ở độ tuổi này vẫn còn ở mức khá cao 14,8%. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt chưa phù hợp.

Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết dinh dưỡng và năng lượng có tác động lớn đến thể chất của trẻ ở tuổi học đường.
Bác sĩ Diệp cho biết: “Nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ chúng ta chỉ cần tập trung khi trẻ còn đang tuổi mẫu giáo. Lúc này, trẻ tăng trưởng nhanh, chưa chủ động thực hành chế độ dinh dưỡng mà phụ thuộc vào cha mẹ. Cha mẹ thấy trẻ chưa trưởng thành và vẫn cần chăm sóc. Tuy nhiên, khi trẻ vào lớp 1, nhiều phụ huynh nghĩ trẻ có thể chủ động và do đó xem nhẹ vấn đề chăm sóc dinh dưỡng và năng lượng hơn”.

VUON-TOI-UOC-MO-ikids-da-nang

Có thể thấy, hiện nay, nhiều phụ huynh thường tập trung chú ý vào giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ mà ít quan tâm khi trẻ lớn hơn. Phần lớn các bé từ 5 đến 15 tuổi ăn theo chế độ dinh dưỡng của người lớn trong gia đình – trong khi thể chất của trẻ ở giai đoạn này vẫn có sự khác biệt lớn với người trưởng thành. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc suy dinh dưỡng nếu phụ huynh chưa chú ý và điều chỉnh kịp thời.

“Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng ‘có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn’, trẻ rồi từ từ cũng lớn. Dù bây giờ có chậm lớn một chút, khi vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ lớn rất nhanh, đằng nào cũng sẽ cao, đằng nào cũng sẽ khỏe. Đây chính là những nhận thức chưa được đúng đắn”, bác sĩ Diệp nói thêm.

Góc nhìn mới về dinh dưỡng và năng lượng cho ’10 năm vàng’

Theo bác sĩ Diệp, 5-15 tuổi được xem là giai đoạn vàng vì trong khoảng thời gian này, khối cơ của trẻ đạt mức tăng trưởng từ 40-60% khối cơ lúc trưởng thành. Mật độ xương của trẻ cũng tích lũy nhanh gấp 4 lần so với giai đoạn trước, đạt được khoảng 60% mật độ xương lúc trưởng thành.

“Trong giai đoạn này, mỗi năm cân nặng của trẻ có thể tăng 2,5-5 kg, chiều cao tăng trung bình 5-10 cm/năm. Khoảng 5-6 tuổi, trẻ sẽ đạt 100% khối lượng não bộ của người trưởng thành. Những con số này cho thấy nếu không tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ ở tuổi học đường thì sẽ bỏ lỡ cơ hội xây dựng nền tảng thể lực tốt cho các cháu”, bác sĩ nhận định.

Nền tảng thể lực của trẻ cần được bồi đắp và củng cố trong suốt giai đoạn học đường.

Hệ miễn dịch của trẻ cũng sẽ phát triển rất nhanh trong giai đoạn 5-15 tuổi. Đến năm 15 tuổi, gần như các tế bào, cơ quan liên quan đến hoạt động miễn dịch của cơ thể đã được hoàn thiện. Khi đó, cha mẹ sẽ không còn cơ hội để giúp con hoàn thiện về mặt vật chất cho các tuyến và tế bào liên quan đến miễn dịch, nội tiết.

Trong giai đoạn “10 năm vàng” này, trẻ có thể phát triển tối đa các kỹ năng nhận thức, phát triển cơ xương, khả năng miễn dịch, não bộ… nếu được bổ sung đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng, kết hợp với các hoạt động thể lực đều đặn. Điều quan trọng là cha mẹ cần có thêm kiến thức cũng như phương pháp để đồng hành với trẻ.

Nguồn: Zing